Khi con con ốm, cha mẹ phải đảm nhận thêm vai trò như việc chăm sóc trẻ suốt ngày đêm. Những nhiệm vụ này có thể làm tăng căng thẳng của cha mẹ.
Tác động không nhỏ
Ngay khi đại dịch Covid-19 dần lắng xuống, thì mùa Thu năm nay lại kéo theo sự tấn công dữ dội của RSV (virus hợp bào hô hấp), cúm và hàng loạt dịch bệnh khác.
Thời tiết giao mùa khiến trẻ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Trong khi đó, thực tế, việc chăm sóc trẻ ốm tại nhà không hề dễ dàng. Các phụ huynh thường gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa chăm sóc con ốm và hoàn thành công việc.
Bên cạnh đó, việc chăm sóc con ốm cũng ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần của cha mẹ. Một nghiên cứu của Nanit Lab (Mỹ) – tổ chức tập hợp các chuyên gia sức khoẻ, tiết lộ rằng, những cha mẹ có con bị ốm có nguy cơ báo cáo các triệu chứng trầm cảm lâm sàng cao hơn 60% so với phụ huynh khác.
Tất cả chúng ta đều có thể đồng cảm với sự căng thẳng mà một đứa trẻ bị bệnh có thể gây ra. Với tư cách là cha mẹ, chúng ta không chỉ quan tâm đến con mình, mà còn thường xuyên phải tìm cách cân bằng giữa việc chăm sóc trẻ và công việc.
Theo một nghiên cứu từ Phòng thí nghiệm Nanit, công việc của cha mẹ bị ảnh hưởng trung bình bốn ngày khi con họ bị ốm. Gần 52% phụ huynh đã kết hợp nghỉ phép có lương, nghỉ phép gia đình hoặc ngày nghỉ.
Thống kê cho thấy, khoảng 13% phụ huynh nghỉ phép không lương, 24% làm việc từ xa và 11,5% sử dụng kết hợp nhiều loại nghỉ phép khác nhau khi con họ bị ốm.
“Nhiều gia đình đang bị ảnh hưởng bởi sự lây lan ngày càng tăng của virus ở trẻ em. Trong khoảng 900 phụ huynh được chúng tôi khảo sát, 17% cho biết con họ đã mắc Covid, cúm hoặc RSV trong tháng 1”, Tiến sĩ Natalie Barnett – Phó Chủ tịch Nghiên cứu lâm sàng tại Nanit cho biết.
Nghiên cứu cho thấy, các bà mẹ thậm chí còn nhận thấy tác động lớn hơn và có khả năng nghỉ phép không lương cao hơn gấp đôi so với những ông bố. Các bà mẹ cũng có xu hướng làm việc từ xa để chăm sóc con ốm nhiều hơn 23% so với các ông bố.
Mặt khác, các ông bố có xu hướng nghỉ phép có lương nhiều hơn các bà mẹ. Sự phân công lao động thậm chí còn rõ ràng hơn với sự phá vỡ điển hình của việc chăm sóc. 23% trẻ em chỉ được chăm sóc bởi mẹ, 76% được cả cha và mẹ chăm sóc.
Tuy nhiên, không có đứa trẻ nào chỉ được chăm sóc bởi cha. Việc nuôi dạy con và công việc của các ông bố hầu như không bị ảnh hưởng bởi những thay đổi trong tình huống trẻ ốm.
Công việc văn phòng và công việc từ xa
Sự lên ngôi của công việc từ xa trong đại dịch Covid đã thay đổi cục diện việc làm. Một số cha mẹ có thể làm việc tại nhà khi con bị ốm và không phải xin nghỉ để chăm sóc trẻ.
Tiến sĩ Maristella Lucchini – nhà nghiên cứu lâm sàng cấp cao tại Nanit cho biết: “Khoảng 25% gia đình quyết định làm việc từ xa để chăm sóc con họ khi trẻ bị bệnh”.
Tiến sĩ Lucchini cho biết, lựa chọn này có thể mang lại sự linh hoạt hơn cho nhiều gia đình. Tuy nhiên, nó chắc chắn có thể làm tăng căng thẳng của các cha mẹ – những người cảm thấy bị kéo theo nhiều hướng khác nhau. Bởi, họ vừa phải chăm sóc con mình, nhưng vẫn cần đảm bảo làm việc hiệu quả.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu đang làm việc từ xa và có con nhỏ bị ốm ở nhà, rất có thể, phụ huynh sẽ không đảm bảo hiệu quả công việc.
Bà Jessica Grose – tác giả và nhà bình luận tại tờ The The Washington Post, cho biết: “Tôi đã nghe nhiều bà mẹ nói rằng, họ phải thức khuya để quản lý khối lượng công việc khi con ốm ở nhà. Những phụ huynh đó cũng không có thêm ngày nghỉ ốm nào”.
Grose cho biết, với công việc văn phòng hoặc bất kỳ vị trí nào phải trực tiếp thực hiện, việc tìm người chăm sóc trẻ bị bệnh thực sự rất khó khăn. Bởi, không ai muốn bị ốm hoặc lây bệnh.
Ảnh hưởng sức khỏe tâm thần
Khi con bị bệnh, cha mẹ phải đảm nhận thêm vai trò, như chăm sóc trẻ suốt ngày đêm. Điều này bao gồm kiểm tra nhiệt độ, theo dõi nhịp thở và quan sát hành vi của con họ kỹ hơn. Từ đó, nhằm đảm bảo trẻ ăn và ngủ bình thường. Những nhiệm vụ đầy lo lắng này trong việc quản lý cảm xúc và hành vi của trẻ ở nhà có thể làm tăng căng thẳng của cha mẹ.
Terri Huggins – một phụ huynh và nhà văn tự do, chia sẻ: “Chúng tôi đã trải qua ‘đại dịch ba’ từ rất lâu trước khi nó được công nhận rộng rãi nên gia đình tôi khá cô lập. Con trai lớn của tôi bị bệnh RSV trong tuần thứ hai đi học vào tháng 9. Trẻ gần như liên tục bị bệnh RSV, rhovirus, cúm và viêm tai từ giữa tháng 9”.
Nữ phụ huynh này cho biết, việc chăm sóc con trai ốm, quản lý công việc và cố gắng giữ đứa con út 3 tuổi không bị lây bệnh đã gây ra nhiều căng thẳng. Với tư cách là phụ huynh, điều đó đã ảnh hưởng đến lịch làm việc của Huggins và khiến “thời gian dành cho bản thân” của bà gần như không tồn tại. Nữ phụ huynh bị mất ngủ và thường phải làm việc rất muộn.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Irene Biscate-Smith – Giám đốc cấp cao và trưởng bộ phận huấn luyện nhi khoa tại Brightline, cho biết: “Mức độ căng thẳng và gánh nặng của người chăm sóc luôn ở mức cao nhất trong khi cố gắng cân bằng công việc với cuộc sống gia đình. Đó là nơi ranh giới giữa công việc và cuộc sống cá nhân bị xóa nhòa. Phụ huynh đồng thời còn phải điều phối việc chăm sóc trẻ ốm”.
Bản thân cha mẹ cũng không tránh khỏi lúc bị ốm. Do đó, các phụ huynh cũng có thể lo lắng về việc sức khỏe thể chất của bản thân bị ảnh hưởng. Bà Biscate-Smith chia sẻ: “Nhận thức, kỹ năng xã hội và căng thẳng về thể chất khi đảm nhận những vai trò này đối với cha mẹ có thể tăng lên nhanh chóng. Điều đó có thể khiến cha mẹ cảm thấy kiệt sức ở mọi cấp độ, từ thể chất đến cảm xúc, tinh thần và xã hội”.
Nghiên cứu của Nanit cho thấy, 63% cha mẹ cho biết khoảng thời gian con họ bị ốm là rất hoặc cực kỳ căng thẳng. Khoảng 13% cha mẹ có con bị bệnh cho biết đã rơi vào mức độ lâm sàng của các triệu chứng trầm cảm. Tỷ lệ này cao hơn 60% so với mức độ của các cha mẹ có con khỏe mạnh.
40% cha mẹ cho biết con họ khó ngủ vào ban đêm. Điều này có thể rút ngắn thời gian cha mẹ nạp lại năng lượng sau một ngày dài. Giấc ngủ không cải thiện khi con họ khỏe hơn. Cụ thể, 45% cha mẹ cho biết phải mất một tuần hoặc hơn để giấc ngủ của con họ trở lại bình thường sau khi bị ốm.
Cân bằng công việc với việc chăm sóc trẻ
Một số người có thói quen chỉ tối ưu hóa sức khỏe tinh thần khi đã ở trong tình trạng khó khăn. Nữ phụ huynh Huggins chia sẻ: “Giống như chúng ta biết rằng, sẽ có những trường hợp khẩn cấp về tài chính, cũng sẽ có những trường hợp khẩn cấp về sức khỏe tâm thần”.
Do đó, phụ huynh này gợi ý rằng, khi thuận lợi, chúng ta hãy ghi lại điều gì khiến bản thân cảm thấy dễ chịu và cách đối phó. Bằng cách đó, khi gặp những tình huống khó khăn, các phụ huynh sẽ biết điều gì có hiệu quả.
Trong khi đó, bà Smith nhận định, các cha mẹ cần tập hợp tất cả sự hỗ trợ sẵn có. Lập danh sách những người sẵn sàng đến giúp đỡ và giao cho mọi người một công việc để giúp quản lý gánh nặng.
Khi nói đến công việc, các phụ huynh hãy trao đổi với người quản lý về kỳ vọng hợp lý. Phạm vi trách nhiệm rõ ràng, sản phẩm bàn giao và tính kịp thời là rất quan trọng. Việc sắp xếp các công việc phù hợp sẽ giúp giảm bớt lo lắng. Đồng thời, giúp thúc đẩy việc hoàn thành nhiệm vụ một cách tập trung hơn.
Điều quan trọng là phụ huynh cần cảm thấy ổn với việc yêu cầu người khác giúp đỡ. Sau đó, các phụ huynh hãy tìm kiếm sự hỗ trợ từ lãnh đạo công ty khi con bị ốm hoặc gặp khó khăn.
Bà Biscate-Smith khuyên: “Hãy đơn giản hóa khi cuộc sống quá sức chịu đựng”. Chuyên gia này gợi ý rằng, “liều thuốc giải” cho tình trạng choáng ngợp là quay trở lại với những nhu cầu cơ bản đó và tự hỏi bản thân một số câu.
Cụ thể, phụ huynh cần hỏi: “Tôi thực sự nên làm gì hôm nay?”. Thông thường, không ít cha mẹ phức tạp hóa quá mức bằng cách thêm vào những việc phải làm và tính cấp bách do bản thân đặt ra.
“Ai có thể làm nhiệm vụ này tốt như tôi? Làm thế nào tôi có thể chăm sóc bản thân và sau đó có thể chăm sóc người khác?”. Đó là một số câu hỏi mà phụ huynh cần tự đặt ra và trả lời.
Chia sẻ trách nhiệm với bạn đời
Nhiều gia đình có hai người chăm sóc có thể chia sẻ khối lượng công việc tăng thêm khi trẻ bị ốm, nhưng không phải tất cả. Trong 75% gia đình, cả cha và mẹ đều nghỉ làm hoặc làm việc từ xa để chăm sóc con ốm. Tuy nhiên, đối với 25% gia đình, chỉ người mẹ nghỉ làm để chăm sóc trẻ.
Nữ phụ huynh Huggins gợi ý rằng, sẽ có thể hữu ích nếu người bạn đời quản lý được gánh nặng tinh thần mà đối phương mặc định thường phải gánh chịu. Nếu người bạn đời không có mặt để giúp chăm sóc thể chất cho những đứa trẻ bị bệnh, những điều nhỏ nhặt có thể tạo ra sự khác biệt lớn đối với phụ huynh đang phải vật lộn để làm tất cả.
Những nhiệm vụ này có thể bao gồm dự trữ các ngăn đựng đồ ăn nhẹ, đổ đầy cốc nước, bảo quản tủ thuốc và dụng cụ pha chế, cũng như thông báo cho nhà trường nếu trẻ bị ốm.