“Hôn nhân hai ngả” (lưỡng đầu hôn) là khái niệm rộ lên tại Trung Quốc. Hình thức kết hôn này có nghĩa là cả hai vợ chồng đều có sự bình đẳng về quyền lợi và trách nhiệm ngang nhau.
Trong cuộc hôn nhân này, cả nam và nữ đều là con một trong gia đình. Sau khi cưới, chú rể và cô dâu không sống chung: Chồng vẫn sống với cha mẹ ruột và vợ cũng vậy.
Các cặp này thường sẽ sinh 2 con. Đứa đầu tiên sẽ mang họ cha, chủ yếu do phía nhà trai nuôi nấng. Đứa thứ hai theo họ mẹ, do phía nhà gái nuôi. Bên trong các gia đình đặc biệt này, không có khái niệm “ông ngoại, bà ngoại”. Những đứa trẻ sẽ gọi người sinh ra cha/mẹ mình là “ông nội, bà nội”.
“Hôn nhân hai ngả” xuất hiện ở các vùng nông thôn tỉnh Giang Tô và Chiết Giang, phía đông Trung Quốc. Mô hình “hôn nhân hai ngả” cũng góp phần loại bỏ khái niệm “độc thân” và “kết hôn” được định hình từ xa xưa. Loại mô hình này có thể khẳng định sự tự do cá nhân và hạn chế việc ly hôn do mâu thuẫn gia đình, chuyện mẹ chồng – nàng dâu.
Xu hướng xuất phát từ nhu cầu thực tế
Trước hết, “hôn nhân hai ngả” đem lại nhiều lợi ích cho cả đôi bên. Trong các cuộc hôn nhân truyền thống, hầu hết phụ nữ sau khi gả vào nhà trai thì phần lớn sẽ đi làm dâu. Trên thực tế, nhiều người không thể tránh được chuyện va chạm giữa mẹ chồng – nàng dâu. Nếu là “hôn nhân hai đường” thì người phụ nữ vẫn có thể về chung sống với gia đình.
Thứ hai, “kết hôn hai ngả” có thể giảm bớt áp lực cho người đàn ông. Kiểu kết hôn này sẽ giúp chú rể tránh được cảnh nợ nần. Hình thức hôn nhân này sẽ khiến gia đình chú rể không phải tốn nhiều tiền để mua quà cưới – vốn còn nặng nề ở các vùng quê Trung Quốc – và cô dâu cũng không phải trả của hồi môn, giảm gánh nặng kinh tế cho cả hai bên.
Vì sao hiện tượng “cưới hai ngả” gia tăng?
Trước đây, hiện tượng “kết hôn hai đường” chỉ xuất hiện ở khu vực nhất định nhưng sau đó dần trở thành trào lưu tại Trung Quốc.
1. Tiền tổ chức đám cưới đắt đỏ, giới trẻ chịu áp lực lớn
Lý do khiến nhiều người lựa chọn độc thân chủ yếu là do có ba nguyên nhân chính: Chưa có thu nhập ổn định, tiêu chuẩn cao trong việc lựa chọn bạn đời và năng lực cá nhân còn chưa cao.
Khoản tiền cần cho việc kết hôn là nguyên nhân chính cho nhiều thanh niên vẫn chưa thể lập gia đình. Người đàn ông cần lo liệu rất nhiều loại chi phí cho đám cưới. Một số khoản chi cho đám cưới có thể kể đến như mua nhà riêng, của hồi môn, tiệc cưới, mua xe hơi gia đình, đồ trang sức bằng vàng…
Chuẩn bị tiền sính lễ là 1 trong những phong tục của người Trung Quốc.Ví dụ, tại tỉnh Tứ Xuyên số tiền phải chuẩn bị khoảng 60 nghìn NDT (tương đương 204 triệu đồng) đến 100 nghìn NDT (tương đương 340 triệu đồng).
Theo khảo sát về tổng chi phí kết hôn ở Trung Quốc, thống kê cho thấy mức thấp nhất là 10.000 NDT, và cao nhất là 1,8 triệu NDT. Chi phí trung bình là 226.500 NDT – cao hơn nhiều (gấp khoảng 10 lần) so với mức thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn Lan Khê, Chiết Giang, Trung Quốc vào năm 2020.
2. Nhận thức về sự độc lập của phụ nữ được nâng cao
Mười năm trước, nhiều phụ nữ Trung Quốc chọn về cùng chồng ở cùng một thành phố để cùng làm việc và gánh vác gia đình. Trong những năm gần đây, nền kinh tế phát triển nhanh chóng, trong xã hội xuất hiện những ngành nghề mới, mang lại cho phụ nữ nhiều lựa chọn hơn. Nhiều cô gái tự tin có thể sống sung túc mà không cần phụ thuộc vào nam giới.
Wang Jufen, một nhà nghiên cứu chuyên về phát triển phụ nữ tại khoa Phát triển xã hội và Chính sách công của Đại học Fudan, Thượng Hải, nói rằng tỷ lệ kết hôn giảm cho thấy phụ nữ Trung Quốc được giáo dục tốt hơn và nhờ đó độc lập hơn về tài chính.
Thị trường bất động sản không còn là sân chơi riêng cho những người giàu muốn gia tăng tài sản hay những nhà đầu tư muốn đầu cơ. Giờ đây, nữ giới cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến nhà đất, đơn giản để cảm thấy tự do và an toàn.
Mối lo trong tương lai
Tuy nhiên, người ta cho rằng hình thức hôn nhân này có cả mặt tích cực và tiêu cực. Về mặt tiêu cực, tính toàn vẹn của các gia đình hạt nhân và sự riêng tư của các cặp đôi sẽ bị ảnh hưởng. Trong nhiều trường hợp, chồng và vợ sẽ cự cãi về nhiều vấn đề như phân bố thời gian đồng đều cho hai bên gia đình. Và thậm chí có chuyện yêu thương con mình nuôi hơn đứa con còn lại do nhà bên kia nuôi.
Việc duy trì tính độc lập ban đầu là tốt nhưng mức độ gắn bó giữa hai bên gia đình lâu dần sẽ yếu đi. Sự toàn vẹn của gia đình nhỏ cũng như tình cảm đôi bên chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
Một nhược điểm nữa là trong một gia đình, hai anh em khác họ nhau sẽ gây ra tâm lý khó hòa nhập của cả hai. Nếu hai đứa trẻ có thời gian dài không cùng sống chung, chúng sẽ không có cảm giác của tình cảm ruột thịt.