Đau tinh hoàn bên trái là tình trạng đau nhức chỉ xảy ra ở tinh hoàn bên trái. Trong khi đó, tinh hoàn bên phải vẫn bình thường. Đây là triệu chứng có liên quan đến nhiều bệnh lý về tinh hoàn ở nam giới.
mời bạn đọc tiếp bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa tình trạng đau tinh hoàn bên trái.
Đau tinh hoàn bên trái là bệnh gì?
Đau tinh hoàn bên trái (Left testicular pain) là tình trạng một bên tinh hoàn (bên trái) bị đau nhức trong khi bên còn lại vẫn bình thường. Tình trạng này có thể xảy ra đột ngột (cấp tính) hoặc đã xảy ra trong thời gian dài (mãn tính).
7 nguyên nhân thường gặp gây đau nhức tinh hoàn bên trái
1. Viêm tinh hoàn
Viêm tinh hoàn (Orchitis) là tình trạng tinh hoàn bị viêm nhiễm do vi khuẩn hoặc virus gây ra. Tình trạng này có thể khiến tinh hoàn bị sưng, đau. Ngoài ra, viêm tinh hoàn cũng có thể gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới.
2. Viêm mào tinh hoàn
Viêm mào tinh hoàn (Epididymitis) là bệnh xảy ra khi ống cuộn bên trên tinh hoàn bị sưng, đau, có thể kèm theo mủ. Bệnh có 2 thể là viêm mào tinh hoàn cấp tính và mãn tính.
Triệu chứng đặc trưng của tình trạng viêm mào tinh hoàn là xuất hiện các cơn đau âm ỉ ở bìu. Khi đó tinh hoàn sẽ trở nên nhạy cảm hơn và dễ đau hơn khi có áp lực.
3. Nang mào tinh hoàn
Nang mào tinh hoàn (Epididymal cyst) là sự xuất hiện khối u lành tính ở mào tinh hoàn. Tình trạng này khiến tinh hoàn có cảm giác nặng và đau khi xuất tinh. Mức độ cơn đau tùy thuộc vào tình trạng bệnh.
4. Giãn tĩnh mạch thừng tinh
Giãn tĩnh mạch thừng tinh (Varicocele) là tình trạng giãn nở tĩnh mạch bên trong túi da bìu, nơi chứa tinh hoàn. Tình trạng này có thể làm suy giảm chức năng tinh hoàn, kéo theo giảm khả năng sản xuất tinh trùng, thậm chí gây vô sinh ở nam giới.
Triệu chứng của giãn tĩnh mạch thừng tinh là khiến tinh hoàn bị đau, tinh hoàn bị teo hoặc gây sưng ở bìu.
5. Đau tinh hoàn bên trái do bị chấn thương
Chấn thương tinh hoàn nặng có thể dẫn đến vỡ tinh hoàn. Nguyên nhân gây chấn thương tinh hoàn thường là do va chạm mạnh khi chơi thể thao hoặc do tai nạn.
Thông thường, cơn đau tinh hoàn do chấn thương nhẹ chỉ là tạm thời và sẽ giảm bớt theo thời gian. Trường hợp bị đau tinh hoàn bên trái hay đau cả hai bên tinh hoàn do chấn thương nặng cần được chăm sóc y tế kịp thời để tránh nguy hiểm.
6. Xoắn tinh hoàn
Xoắn tinh hoàn (Testicular torsion) là tình trạng tinh hoàn bị xoắn quanh trục của nó khiến bó mạch thừng tinh bị nghẹt và không thể cung cấp máu cho tinh hoàn. Xoắn tinh hoàn thường khiến một bên tinh hoàn bị đau nhức (trái hoặc phải). Tinh hoàn bên xoắn có xu hướng cao hơn tinh hoàn bên đối diện do bị co rút dẫn đến có thể xuất hiện một khối u ở tinh hoàn. Tinh hoàn cũng dần đổi màu từ đỏ sang tím.
7. Ung thư tinh hoàn
Ung thư tinh hoàn (Testicular Cancer) là tình trạng tinh hoàn xuất hiện các tế bào hay khối u ác tính đang phát triển và có khả năng di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể.
Ung thư tinh hoàn thường chỉ được phát hiện khi nam giới thực hiện tầm soát ung thư hoặc khám sức khỏe định kỳ. Triệu chứng điển hình là xuất hiện khối u, sưng ở bìu, cơn đau tinh hoàn xuất hiện và tăng dần theo thời gian.
Triệu chứng khi bị đau tinh hoàn bên trái
Triệu chứng chung khi bị đau tinh hoàn bên trái bao gồm:
- Sưng, đau ở một bên tinh hoàn (bìu)
- Sốt
- Đau đột ngột, dữ dội ở tinh hoàn bên trái
- Một bên tinh hoàn cảm thấy đau hơn bên còn lại
- Cơn đau âm ỉ từ tinh hoàn trái, lan tỏa sang vùng bẹn hoặc vùng bụng dưới.
Ngoài ra, một số triệu chứng khác có thể xuất hiện kèm theo, tùy vào nguyên nhân gây đau tinh hoàn là gì. Chúng bao gồm:
- Nóng sốt, ớn lạnh, mệt mỏi
- Cảm giác khó chịu khi đi tiểu, khi xuất tinh
- Cơn đau lan rộng ra vùng nếp bẹn, bụng dưới, dương vật.
Chẩn đoán tình trạng đau tinh hoàn bên trái
Nếu cần thêm thông tin để chẩn đoán, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bạn thực hiện các xét nghiệm hoặc siêu âm như sau:
- Soi tinh hoàn bằng ánh sáng (Transillumination): Bác sĩ sẽ sử dụng các thiết bị chiếu sáng để rọi vào tinh hoàn xem bên trong có xuất hiện các khối u nang mào tinh hoàn hay không.
- Siêu âm tinh hoàn (Ultrasound): Nếu việc soi tinh hoàn bằng ánh sáng không khả thi, bác sĩ có thể đề nghị bạn thực hiện siêu âm tinh hoàn để cho ra kết quả chính xác hơn.
- Xét nghiệm (Lab test): Bác sĩ có thể đề nghị bạn xét nghiệm và phân tích nước tiểu để hỗ trợ cho quá trình chẩn đoán bệnh.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể chỉ định bạn thực hiện một số phương pháp chẩn đoán khác để đảm bảo đưa ra kết luận chính xác, bao gồm:
- Siêu âm Doppler bẹn bìu, tinh hoàn và mào tinh hoàn
- Xét nghiệm máu
- Nuôi cấy dịch nang mào tinh hoàn, phết dịch niệu đạo để tìm vi khuẩn và làm kháng sinh đồ
- Sinh thiết tinh hoàn xác định bản chất khối u tinh hoàn gây đau
- Trường hợp nghi ngờ ung thư tinh hoàn cần được chụp cắt lớp vi tinh hoặc cộng hưởng từ để xác định cấu trúc khối u và hình ảnh di căn (nếu có).
Cách điều trị tình trạng đau tinh hoàn bên trái
Tùy theo nguyên nhân gây đau tinh hoàn bên trái là gì mà bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp. Dưới đây là một số phương pháp điều trị tình trạng đau nhức tinh hoàn bên trái.
- Viêm tinh hoàn và viêm mào tinh hoàn: Cách điều trị phụ thuộc vào từng nguyên nhân gây viêm. Nếu bệnh xảy ra do vi khuẩn, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng thuốc kháng sinh. Nếu bệnh xảy ra do virus, ở thể nhẹ, người bệnh có thể điều trị triệu chứng hoặc nghỉ ngơi tại nhà để bệnh tự cải thiện. Tuy nhiên, trường hợp nghiêm trọng hơn như tinh hoàn sưng to, đau nhức, viêm nhiều, người bệnh cần được điều trị tích cực tại bệnh viện.
- Nang mào tinh hoàn: Đây là khối u lành tính xuất hiện bên trong tinh hoàn, để điều trị và xử lý khối u này, bác sĩ có thể sẽ đề nghị bạn thực hiện phẫu thuật loại bỏ khối u hoặc sử dụng phương pháp hút và loại bỏ hoàn toàn chất lỏng bên trong khối u nang.
- Giãn tĩnh mạch thừng tinh: Phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh nhằm loại bỏ đám rối tĩnh mạch bị giãn.
- Đau tinh hoàn do chấn thương: Hầu hết các trường hợp nam giới bị vỡ tinh hoàn đều cần được phẫu thuật để cầm máu vết thương bên trong tinh hoàn; loại bỏ các phần mô bị hoại tử.
- Xoắn tinh hoàn: Phẫu thuật tháo xoắn tinh hoàn, phục hồi và cung cấp máu cho tinh hoàn. Sau đó cố định tinh hoàn trở lại vị trí ban đầu.
- Ung thư tinh hoàn: Tùy vào mức độ và giai đoạn phát triển của khối u gây ung thư mà bác sĩ sẽ xác định là bạn sẽ uống thuốc, hóa trị, xạ trị hay phẫu thuật loại bỏ khối u.
Cách phòng ngừa tình trạng đau tinh hoàn bên trái
Không có cách cụ thể nào để phòng ngừa hoàn toàn tình trạng đau nhức một bên tinh hoàn. Để giảm nguy cơ mắc bệnh, bạn nên:
- Thường xuyên tự kiểm tra tinh hoàn và khám sức khỏe vùng kín định kỳ để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường, bao gồm khối u.
- Vệ sinh dương vật và tinh hoàn mỗi ngày
- Xây dựng đời sống tình dục an toàn và lành mạnh
- Không nên nâng các vật nặng quá sức (vượt ngưỡng chịu đựng)
- Bạn cần trang bị các thiết bị bảo hộ nếu có tham gia các môn thể thao có va chạm mạnh như: Bóng bầu dục, tập võ, boxing…
Tình trạng đau tinh hoàn bên trái có nguy hiểm không?
Theo thông tin từ Bệnh viện Cleveland Clinic Hoa Kỳ, đau tinh hoàn một bên hoặc cả hai bên là tình trạng nguy hiểm đến sức khỏe của nam giới.
Bên cạnh đó, đây là nơi sản xuất tình trùng. Vì thế, khi gặp phải bất kỳ vấn đề bất thường nào, bạn nên nhanh chóng gặp bác sĩ để được thăm khám.
Đau nhức tinh hoàn bên trái có liên quan đến ung thư không?
Tổ chức nghiên cứu Ung thư Anh Quốc – Cancer Research UK cho biết, ung thư tinh hoàn mặc dù không gây triệu chứng đặc trưng là đau tinh hoàn, nhưng trong một số trường hợp khối u sẽ làm cho tinh hoàn bị nặng và hơi đau ở bên trong.
Vì vậy, trong một số trường hợp, triệu chứng đau nhức tinh hoàn bên trái có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư tinh hoàn. Nam giới có triệu chứng đau nhức tinh hoàn bên trái cần được bác sĩ kiểm tra để chẩn đoán bệnh.
Đối tượng nào dễ bị đau tinh hoàn bên trái?
Bất kỳ nam giới ở độ tuổi nào đều có nguy cơ mắc phải tình trạng này. Tuy nhiên, nhóm đối tượng dễ bị đau tinh hoàn bên trái hoặc bên phải là vận động viên cử tạ, thể thao bóng đá, bóng chày, võ… Vì họ thường xuyên va chạm và sử dụng lực mạnh khi hoạt động thể thao.
Kết luận
Đau nhức tinh hoàn bên trái là tình trạng không hiếm gặp ở nam giới. Khi mắc phải tình trạng này, cách tốt nhất là bạn nên đi khám để được bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân và hướng dẫn điều trị.