Mì gói là món ăn nhanh gọn, hương vị hấp dẫn nên không ít mẹ bầu thích và thèm món này trong thai kỳ. Thế nhưng, vẫn còn nhiều mẹ bầu băn khoăn về việc có nên dùng thực phẩm này không.
Cùng tìm hiểu thông tin về mì gói, để mẹ bầu có cách chọn mì và kết hợp mì cùng các thực phẩm dinh dưỡng khác.
Những thay đổi về nội tiết tố và nhu cầu dinh dưỡng trong thai kỳ khiến mẹ bầu thèm một số món ăn nhất định, chẳng hạn như mì gói. Vậy bà bầu ăn mì gói được không? Làm sao để vừa có thể ăn mì gói khi thèm mà vẫn đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé? Mời bạn cùng Hello Bacsi xem tiếp những chia sẻ bên dưới để có lời giải đáp nhé!
Bà bầu ăn mì gói được không? Vì sao mẹ bầu hay thèm ăn mì gói?
Cảm giác thèm ăn một món nào đó trong thai kỳ có thể do các thay đổi về nội tiết tố, nhu cầu dinh dưỡng hoặc cảm xúc của mẹ bầu [1]. Thèm mì gói khi mang thai cũng không phải tình huống hiếm gặp nhưng nhiều mẹ bầu ngần ngại không dám ăn vì lo món ăn này chứa nhiều chất béo chuyển hóa hay transfat. Nhưng theo các chuyên gia, trong khoa học, chất lượng dầu được đánh giá thông qua mức độ oxy hóa của dầu (chỉ số Acid Value (AV)). Nếu dầu bị oxy hóa mạnh thì chỉ số AV của dầu sẽ rất cao và khiến cho dầu có mùi gắt dầu.
Đối với ngành sản xuất mì ăn liền, Uỷ ban tiêu chuẩn Quốc tế Codex và tiêu chuẩn Việt Nam đã đưa ra quy định mức AV cho phép đối với sản phẩm mì chiên là ≤ 2 mg KOH/gram dầu [7], [8]. Và nhà sản xuất phải luôn kiểm tra, đánh giá thường xuyên để đảm bảo chỉ số AV trong dầu chiên và trong sản phẩm đạt theo tiêu chuẩn này.
Vì vậy, thực tế, khi thèm ăn mì, mẹ bầu vẫn có thể thưởng thức. Bởi với bà bầu khi sử dụng chỉ cần chế biến đúng theo hướng dẫn nhà sản xuất, lựa chọn sản phẩm mì chất lượng và đảm bảo dinh dưỡng cho mẹ và bé theo lời khuyên của bác sĩ thì việc ăn mì là bình thường [1]. Không những vậy, việc được thưởng thức món ăn mình thèm khi mang thai còn là cách để mẹ bầu cân bằng cảm xúc. Ngoài ra, với mẹ bầu, mì gói cũng sở hữu một số “điểm cộng”
Dễ tìm mua, dễ nấu, nhanh gọn nên có thể được xem là phương pháp “cứu đói” rất hiệu quả, nhất là khi mẹ bầu đang bận rộn hoặc đói bụng vào những giờ không thuận tiện nấu ăn.
Có nhiều hương vị đa dạng nên có thể dễ dàng đáp ứng được khẩu vị thay đổi thường xuyên trong thai kỳ.
Tuy nhiên, dù bà bầu có thể ăn mì gói nhưng cần lưu ý có sự kết hợp cùng đa dạng với các nhóm thực phẩm khác. Bên cạnh đó, khi ăn, mẹ bầu cũng cần biết cách chế biến chuẩn chỉnh để mì gói trở thành món giàu dinh dưỡng và phù hợp với thể trạng hơn.
Mách mẹ bầu cách ăn mì gói đảm bảo dinh dưỡng
Để không phải lo lắng khi ăn mì gói, bạn có thể tham khảo các bí quyết ăn mì cho mẹ bầu sau:
Lựa chọn loại mì chất lượng
Khi ăn mì gói, mẹ bầu cần lưu ý lựa chọn những sản phẩm mì chất lượng. Ưu tiên hàng đầu là những sản phẩm mì của các công ty lớn, uy tín, có quy trình sản xuất hiện đại, khép kín, tự động hóa, được kiểm định chặt chẽ các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nguyên nhân là bởi những sản phẩm mì của công ty lớn không chỉ được sản xuất từ các nguyên liệu tươi mới mà các thành phần, nguyên liệu được sử dụng cũng sẽ tuân thủ nghiêm ngặt theo đúng quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Chế biến mì theo đúng hướng dẫn từ nhà sản xuất
Hiện trên thị trường có rất nhiều chủng loại mì từ vài nghìn đến vài chục nghìn với hương vị đa dạng, cách chế biến cũng khác nhau như những sản phẩm cần chế biến trên bếp (như sợi mì không chiên), những loại chỉ cần chế nước sôi hay cả những loại sử dụng theo cách xào, trộn… Nhìn chung, dù chọn loại mì nào thì một lưu ý cho mẹ bầu là nên chế biến mì theo đúng hướng dẫn từ nhà sản xuất để có một tô mì hấp dẫn với hương vị đặc trưng riêng của món ăn. Nguyên nhân là bởi các gói mì đã trải qua việc nghiên cứu kỹ lưỡng trong quá trình sản xuất để có thể đưa ra hướng dẫn sử dụng đến người tiêu dùng.
Sử dụng lượng muối phù hợp với tình trạng cơ thể
Trong giai đoạn mang thai, mẹ bầu chỉ nên tiêu thụ một lượng muối vừa phải, tối đa khoảng 5,75g mỗi ngày. Việc bà bầu ăn quá nhiều muối có thể gây cao huyết áp, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và các biến chứng sản khoa, chẳng hạn như tiền sản giật [3], [4]. Do đó, khi ăn mì, tùy thuộc vào lượng muối mà mẹ bầu đã tiêu thụ trong ngày mà có thể gia giảm cho phù hợp. Trong một số trường hợp mẹ bầu có các vấn đề về sức khỏe như đái tháo đường, cao huyết áp, bệnh thận… thì cần chú ý dùng ít muối hơn (tối đa chỉ khoảng 3,75g) để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé
Ăn mì gói cùng các loại rau củ và các thực phẩm giàu đạm
Để giúp món mì gói thêm dinh dưỡng, khi chế biến, mẹ cần cho thêm một số thực phẩm như rau củ, thịt, hải sản… Cụ thể, mẹ bầu có thể ăn mì gói cùng cà rốt, ớt chuông, bông cải, cà chua… để bổ sung thêm chất xơ, vitamin và khoáng chất. Cùng với đó là thịt, hải sản, đậu hũ… để bổ sung đạm nhằm giúp bữa ăn thêm cân bằng dinh dưỡng [5]. Tuy nhiên, khi thêm các thực phẩm này, mẹ đừng quên nấu thật kỹ để giảm thiểu nguy cơ gặp phải các nhiễm trùng liên quan đến thực phẩm nhé!
Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé
Dù mì gói là món ăn ngon miệng, tiện lợi nhưng mẹ bầu không nên chỉ sử dụng riêng một món ăn này mà cần kết hợp đa dạng thực phẩm như đề cập ở trên. Tương tự, ở các thực phẩm khác cũng không nên dùng riêng và duy nhất, thay vào đó, mẹ bầu cần xây dựng một chế độ ăn cân bằng, lành mạnh với các thực phẩm giàu dinh dưỡng như ngũ cốc, rau củ, trái cây, thực phẩm giàu đạm như thịt, trứng, cá, đậu hủ, các thực phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua… Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng cần chú ý uống nhiều nước, hạn chế một số thực phẩm như thực phẩm nhiều đường, thức uống có cồn… [6] Ngoài ra, mẹ bầu cũng có thể nhờ bác sĩ tư vấn cách ăn uống sao cho cân bằng và lành mạnh nhất cho mình và em bé.
Khi mang thai, do có sự biến đổi về nội tiết tố và nhu cầu dinh dưỡng, mẹ bầu có thể có cảm giác thèm ăn nhiều món khác nhau, chẳng hạn như mì gói, kem, xoài… Tuy nhiên, để có thể thỏa mãn cơn thèm mà vẫn đảm bảo sức khỏe của mình và con yêu, bạn cần biết cách chọn lựa và kết hợp thực phẩm đủ dinh dưỡng, phù hợp tình trạng cơ thể.