Nhiều người truyền tai nhau cần tây rất tốt cho sức khỏe sinh lý nam. Liệu điều này có hoàn toàn đúng? Dưới đây là 5 điều bạn cần biết về tác động của cần tây với sức khỏe.
Tiêu thụ cần tây và nước ép cần tây đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây bởi những lợi ích sức khỏe mà nó mang lại, một trong số đó là cải thiện sức khỏe tình dục cho nam giới.
Có nhiều thông tin trên mạng nói rằng cần tây là “thần dược phòng the” đối với nam giới. Nhưng sự thật là những nghiên cứu về lợi ích của cần tây đối với sức khỏe tình dục của nam giới vẫn còn hạn chế.
Do đó, nhiều người thắc mắc liệu cần tây có thực sự là ‘cứu tinh’ của nam giới hay không.
Dưới đây là 5 điều bạn cần biết về tác động của cần tây đối với sức khỏe sinh lý nam giới.
Cần tây có làm tăng ham muốn tình dục không?
Androsterone là một chất chuyển hoá steroid yếu của hormone sinh dục testosterone. Androsterone là hormone tự nhiên xuất hiện ở cả nam và nữ nhưng có nhiều ở nam hơn nữ.
Có một số thông tin cho rằng cần tây chứa nhiều androsterone, nghĩa là nó có thể làm tăng mức testosterone và thúc đẩy ham muốn tình dục ở nam giới.
Mặc dù một vài nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng cần tây chứa nhiều androsterone, điều này không thể chứng minh rằng ăn cần tây hoặc uống nước ép cần tây có thể làm tăng mức androsterone để cải thiện ham muốn tình dục ở nam giới.
Cần tây có phải thực phẩm kích thích tình dục?
Pheromone là một những chất được sử dụng như những tín hiệu hóa học giữa các cá thể cùng loài, đóng vai trò quan trọng trong sự hấp dẫn tình dục.
Androsterone cũng được coi là một dạng pheromone vì nó được tìm thấy trong mồ hôi của con người nhưng chỉ ở một lượng nhỏ.
Có thông tin cho rằng ăn cần tây có thể có tác dụng như pheromone. Tuy nhiên, không có nhiều bằng chứng cho thấy cần tây có tác dụng kích thích tình dục. Các nhà nghiên cứu cần nhiều dữ liệu hơn để xác nhận tác động tiềm ẩn này.
Mặc dù các nghiên cứu về lợi ích của cần tây đối với sức khoẻ tình dục nam giới còn hạn chế nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng cần tây cũng mang lại một số lợi ích tiềm năng khác.
Cần tây có thể giúp tăng khả năng sinh sản
Cần tây chứa nhiều vitamin C và các hợp chất dinh dưỡng thực vật, các hợp chất này hoạt động như những chất chống oxy hoá, đã được chứng minh là có đặc tính chống viêm.
Ngoài khả năng đẩy lùi nguy cơ bệnh tật, các chất chống oxy hoá còn giúp thúc đẩy sức khỏe tình dục ở nam giới.
Đặc biệt hơn, các nghiên cứu ở người cho thấy hàm lượng chất chống oxy hoá cao có thể cải thiện số lượng và khả năng di chuyển của tinh trùng, 2 yếu tố quan trọng quyết định khả năng sinh sản của nam giới.
Một nghiên cứu trên động vật đã quan sát thấy sự gia tăng tinh trùng khi được bổ sung chiết xuất từ lá cần tây. Tuy nhiên, các chiết xuất thường rất đặc và không thể so sánh với việc ăn cần tây hoặc uống nước ép cần tây.
Tóm lại, chúng ta cần tiến hành nhiều nghiên cứu hơn nữa để xác định các lợi ích đặc biệt của cần tây đối với khả năng sinh sản của nam giới.
Cần tây giúp làm giảm huyết áp
Cần tây và nước ép cần tây cũng có thể hỗ trợ kiểm soát huyết áp. Nitrat tự nhiên được tìm thấy trong cần tây có thể cải thiện sức khỏe tim mạch và giúp làm giảm huyết áp.
Nam giới thường xuyên cao huyết áp có liên quan đến chứng rối loạn cương dương.
Thường xuyên tiêu thụ các loại trái cây và rau củ, bao gồm cả cần tây, có thể cải thiện các triệu chứng của rối loạn cương dương.
Tuy nhiên, tùy thuộc vào mức độ của huyết áp cao, nam giới nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng cần tây.
Cần tây chứa nhiều vitamin K
Cần tây rất dồi dào vitamin K, 1 cốc cần tây (124 gam) có thể cung cấp khoảng 30% lượng vitamin K cần thiết mỗi ngày cho nam giới.
Vitamin K là chất dinh dưỡng quan trọng cần thiết cho quá trình đông máu (bảo vệ cơ thể không bị chảy máu và mất máu) và giúp xương chắc khỏe. Dù vi khuẩn trong đường ruột vẫn sản sinh một lượng vitamin K nhất định, nam giới vẫn nên kết hợp các nguồn thực phẩm bên ngoài để bổ sung lượng vitamin K khuyến nghị (120 mcg) cần thiết mỗi ngày.
Thường xuyên ăn cần tây là cách tốt nhất để bổ sung vitamin K, từ đó thúc đẩy sức khỏe xương và hỗ trợ quá trình đông máu hiệu quả.
(Nguồn: Health Line)