Trong thời kì mang thai các mẹ rất nên cẩn trọng bởi một số tác nhân gây dị tật thai nhi có thể xuất hiện trong nhà hoặc nơi làm việc.
Mỗi phụ nữ khi mang thai đều có rủi ro sinh con dị tật khoảng 3%-5%. Nguy cơ này tăng lên do nhiều lý do, một trong số đó là tiếp xúc các tác nhân gây dị tật. Các tác nhân này có thể ở trong nhà, nơi làm việc hoặc trong môi trường sống xung quanh. Theo bác sĩ Lê Tiểu My, công tác tại Khoa Phụ Sản, Bệnh viện Đa khoa Mỹ Đức TP.HCM, có nhiều tác nhân gây dị tật thai nhi, có thể kể đến như:
– Chất độc, hóa chất như thủy ngân – một kim loại thường được sử dụng trong công nghiệp.
– Rượu, chất gây nghiện.
– Vitamin hoặc khoáng chất, ví dụ như sử dụng quá liều vitamin A.
– Các loại thuốc.
– Nhiễm trùng trong thời gian mang thai, ví dụ như thủy đậu.
– Các bệnh lý của mẹ, ví dụ như tiểu đường không kiểm soát.
Thai phụ có thể tiếp xúc trực tiếp với các tác nhân dị tật ở trong không khí, nước, hoặc các loại thuốc đang dùng. Mức độ gây hại chính xác của các tác nhân này như thế nào tùy thuộc vào quãng thời gian tiếp xúc, lượng tiếp xúc và kể cả phản ứng của cơ thể người mẹ với các tác nhân này.
Mỗi phụ nữ khi mang thai đều có rủi ro sinh con dị tật khoảng 3%-5% (Ảnh minh họa).
Thời điểm tiếp xúc cũng là một yếu tố quan trọng. Ví dụ, 8 tuần đầu thai kỳ là thời gian hầu hết các cơ quan chính của cơ thể được hình thành, nếu có tiếp xúc trong giai đoạn này thai nhi dễ tổn thương. Đôi khi vào lúc người mẹ còn chưa biết mình có thai.
Thời điểm rất dễ ảnh hưởng khác nữa là trong thời gian cho con bú. Các độc tố có thể truyền cho bé qua sữa và gây ảnh hưởng trực tiếp đến bé.
Lý do chúng ta có rất ít thông tin về tác hại của tác nhân gây dị tật thai nhi là vì không thể thực hiện được nghiên cứu. Thông tin mẹ có tiếp xúc hóa chất cũng quan trọng, nhưng thật ra cũng không thể biết chính xác lượng tiếp xúc hay thời gian tiếp xúc bao lâu thì có thể gây hại.
Một số tác nhân trong môi trường đã được chứng minh có thể gây hại cho thai nhi:
1. Chì
Mặc dù chì đã được loại bỏ khỏi nước sơn, xăng dầu từ lâu, nhưng đến nay vẫn có khoảng 1% phụ nữ trong độ tuổi mang thai có nồng độ chì trong máu vượt ngưỡng an toàn. Lớp sơn cũ trong nhà, đồ gốm tráng men, mỹ phẩm hoặc các ngành công nghiệp chế tạo đều có thể chứa chì. Nếu tiếp xúc với chì trong thời gian mang thai có thể gây tăng huyết áp, sinh non, ảnh hưởng đến sự phát triển não của thai nhi. Tuy nhiên, đến nay người ta vẫn chưa biết chính xác ngưỡng tiếp xúc có thể gây hại.
Nếu phụ mang thai tiếp xúc với chì thường xuyên có thể gây tăng huyết áp, sinh non, ảnh hưởng đến sự phát triển não của thai nhi (Ảnh minh họa).
Hướng dẫn của trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) và Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) đều khuyến cáo những người có nguy cơ tiếp xúc chì cần xét nghiệm nồng độ chì trong cơ thể. Nếu phát hiện nồng độ chì cao cần tìm nguồn tiếp xúc để tránh. Thông thường, chỉ cần tránh nguồn tiếp xúc là nồng độ chì trong cơ thể người mẹ có thể quay về ngưỡng an toàn.
2. Thủy ngân
Tiếp xúc thủy ngân trong thời gian mang thai có thể ảnh hưởng đến sự phát triển hệ thần kinh của trẻ. Nếu mẹ tiếp xúc thủy ngân đủ liều gây hại, trẻ sẽ chậm phát triển tâm thần và vận động, gặp nhiều khó khăn đối với việc học, các vấn đề tư duy, ngôn ngữ… Khả năng thai nhi tiếp xúc thủy ngân được giải thích chủ yếu do mẹ ăn các loại cá chứa nhiều thủy ngân khi sống trong môi trường nước ô nhiễm.
Thủy ngân là một hóa chất khá nguy hiểm, nếu mẹ tiếp xúc thủy ngân đủ liều gây hại, sẽ khiến thai nhi bị một loạt ảnh hưởng sức khỏe về sau (Ảnh minh họa).
Ngoài ra có thể nhiễm thủy ngân do môi trường lao động hoặc dùng các thuốc có chứa thủy ngân. Dù ăn cá được xem là có nguy cơ nhiễm thủy ngân, tuy nhiên cá rất tốt cho thai nhi vì có acid béo omega -3 nên không có khuyến cáo nào khuyên nên loại bỏ khỏi chế độ ăn. Bạn chỉ cần:
– Tránh ăn các loại cá có lượng thủy ngân cao như cá mập, cá thu vua, cá ngừ. Thay vào đó, nên ăn các loại thủy hải sản lành tính hơn, như cá hồi, tôm…
– Các loại cá tự đánh bắt cần có thông tin về độ an toàn của nước tại khu vực đó. Nếu không có thông tin, chỉ nên ăn tối đa 180gram mỗi tuần.
3. Thuốc trừ sâu
Thuốc trừ sâu dùng để diệt các loại sâu bọ, cỏ dại, nấm mốc… Người mẹ có thể tiếp xúc với các loại hóa chất này khi ăn trái cây, rau củ có sử dụng thuốc, các loại hóa chất tẩy rửa trong nhà.
Nếu bà mẹ mang thai tiếp xúc thời gian dài làm bé chậm phát triển thần kinh, IQ thấp, bệnh bạch cầu cấp. Cách tốt nhất là hạn chế sử dụng hóa chất, không mua các loại hóa chất diệt ve hay bọ chét cho thú cưng. Các loại rau quả cần được rửa thật sạch trước khi ăn hoặc chế biến.
Nhiểu loại rau củ quả có thể có thuốc trừ sâu, các mẹ bầu lưu ý nên rửa sạch trước khi ăn hoặc chế biến (Ảnh minh họa).
Thật ra, chất độc gây ảnh hưởng thai thường được ghi nhận nhất là rượu. Đó là chưa kể đến các tác nhân khác như tia X (trong môi trường mình sống cũng có tia X), các loại thuốc tự ý sử dụng… Do đó, cách tốt nhất bảo vệ bản thân và thai nhi nếu đang mang thai là:
– Không tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.
– Sử dụng thực phẩm an toàn, có kiểm định, rõ nguồn gốc.
– Hạn chế sử dụng hóa chất.
Thông báo cho bác sĩ khám khi nghi ngờ có thai để khi cần sử dụng thuốc hoặc các kỹ thuật hình ảnh, bác sĩ sẽ có cách xác định và chỉ định phương pháp an toàn.