Theo bác sĩ Hoàng Hiệp, mới đây bác sĩ phẫu thuật cho một ca bệnh đặc biệt ‘cậu nhỏ’ không được vệ sinh sạch sẽ đã ‘hoá đá’ bên trong.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Hoàng Hiệp – Chuyên khoa nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, trường hợp nam bệnh nhân có ‘cậu nhỏ hoá đá’ mới 20 tuổi đang là sinh viên đại học, chưa có người yêu và chưa từng thủ dâm.
Trước khi đi khám nam sinh không cảm thấy khó chịu. Nam sinh thấy dương vật có mùi hơi hôi và sờ thấy cục cứng chắc ở bên trong ‘cậu nhỏ’. Tuy nhiên, điều này cũng không khiến nam sinh băn khoăn vì nghĩ đó là bình thường.
Nam sinh có chia sẻ với bác sĩ: “Em thấy ‘cậu nhỏ’ hơi có mùi hôi nhưng nghĩ là do cả ngày không được vệ sinh cộng thêm mồ hôi của cơ thể nên không bận tâm. Còn cục cứng thì em cho rằng đàn ông có ‘cậu nhỏ’ cứng mới là tốt”.
Bác sĩ Hiệp cho biết, do không có kiến thức về giới tính, nam khoa cho nên nam sinh không biết đó là dấu hiệu bất thường để đi khám sớm. Chỉ khi nam sinh đi học và nhận thấy phần đầu dương vật không lột được ra như bạn bè trong phòng, lúc đó nam sinh mới tới viện khám.
Bác sĩ Hiệp đang tư vấn cho một trường hợp bệnh nhân, nguồn ảnh: BSCC
Sau khi thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán hẹp bao quy đầu, khối cứng sờ thấy là những cặn bẩn lắng đọng ở bên trong. Bệnh nhân ngay sau đó được chỉ định làm thủ thuật cắt vùng da bao quy đầu và vệ sinh bên trong vùng quy đầu.
Bình thường bao quy đầu phải lột ra từ lúc 5 – 6 tuổi. Tuy nhiên, trường hợp nam sinh trên bị hẹp bao quy đầu từ nhỏ nên 20 năm không lột ra được để vệ sinh bên trong phần quy đầu.
“Khi bệnh nhân đi tiểu nước tiểu lắng cặn, da chết bên trong quy đầu tạo thành khối cứng như đá. Đây cũng là lý do vì sao bệnh nhân sờ thấy cục cứng, nhưng thực ra là cặn bẩn khô lại”, bác sĩ Hiệp nói.
Bác sĩ cắt phần da bao quy đầu thấy có cặn bẩn ở phần rãnh của đầu ‘cậu nhỏ’. Khi vệ sinh từng mảng cặn bong ra từng cục như đá, mùi hôi nồng nặc rất khó chịu khiến bác sĩ phải ‘nín thở’. Sau khi, bóc tách hết lớp bẩn bao quanh đường dương vật, tổ chức bên dưới bị viêm tấy đỏ, bệnh nhân được chỉ định dùng kháng sinh trong 7 ngày và hẹn tái khám.
Dấu hiệu hẹp bao quy đầu
Hẹp bao quy đầu được chia làm 2 loại sinh lý và bệnh lý. Hẹp bao quy đầu sinh lý thường gặp ở trẻ em nam mới sinh ra. Do dương vật nhỏ và nhạy cảm nên vùng da bao quy đầu sẽ chùm kín với chức năng bảo vệ. Tuy nhiên, khi trẻ 3 – 4 tuổi bố mẹ cần phải nong tách bao quy đầu cho trẻ để bung ra hở lỗ tiểu và ở toàn bộ phần rãnh quy đầu. Với những trẻ không được bố mẹ nong tách sẽ không thể lột phần da bao quy đầu gây ra tình trạng hẹp bao quy đầu.
Đối với hẹp bao quy đầu bệnh lý, trường hợp này có thể xảy ra ở một số trường hợp đã lột được bao quy đầu, tuy nhiên tới tuổi quan hệ bị viêm nhiễm hoặc chấn thương hình thành sẹo và gây ra hẹp.
Bác sĩ Hiệp cho biết, chúng ta có thể phát hiện hẹp bao quy đầu rất đơn giản bằng cách: Dùng tay tác động nhưng không thể lột ra được. Bình thường bao quy đầu sẽ lột ra khi ‘cậu nhỏ’ cương lên tối đa. Nếu ‘cậu nhỏ’ cương lên mà bao quy đầu không lột ra hết là do bị dẹp.
Điều trị dẹp bao quy đầu không khó, khi bệnh nhân tới viện sẽ được làm thủ thuật cắt bao quy đầu trong vòng 20 – 30 phút. Sau khi cắt xong bệnh nhân sẽ được về luôn và vệ sinh vùng chỉ khâu mỗi ngày. Khoảng 7 – 10 ngày bệnh nhân sẽ được cắt chỉ khâu.
Bác sĩ Hiệp khuyến cáo, khi nam giới kiểm tra thấy mình bị hẹp bao quy đầu thì nên tới khám chuyên khoa nam học sớm.