Sùi mào gà sinh dục là bệnh lây qua đường tình dục phổ biến nhất. Đây còn được xem là nỗi ám ảnh của cả phụ nữ và nam giới khi mắc phải. Hơn thế nữa, với nguy cơ tái phát cao, người bệnh có thể phải chung sống với bệnh suốt đời. Vậy có cách nào điều trị sùi mào gà không? Phòng ngừa bệnh sùi mào gà bằng biện pháp gì?
Tìm hiểu về bệnh sùi mào gà sinh dục
Việc nắm bắt thông tin về sùi mào gà, nhận biết dấu hiệu và nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp bạn phát hiện, điều trị và ngăn ngừa bệnh kịp thời.
Mụn cóc sinh dục là gì?
Sùi mào gà là những mụn mềm mọc trên bộ phận sinh dục còn gọi là mụn cóc sinh dục. Đây là một loại bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) phổ biến do virus gây u nhú ở người – HPV (Human Papilloma Virus) loại nguy cơ thấp gây ra.
HPV là loại virus gây bệnh lây qua tình dục đứng đầu thế giới với nhiều loại khác nhau (35 loại). Trong đó, loại gây ung thư cổ tử cung và loại gây mụn cóc sinh dục được biết đến nhiều nhất. Hiện nay, chưa có thuốc để đặc trị loại virus này.
Dấu hiệu nhận biết
Dấu hiệu của sùi mào gà là một hay nhiều nốt sùi nhỏ, màu thịt, nâu hoặc hồng xuất hiện ở vùng sinh dục. Chúng có thể mọc gần nhau, có hình dạng sần sùi được ví như mào của con gà trống, đôi khi gây ngứa, đau ở vùng sinh dục và chảy máu khi quan hệ tình dục.
Sùi mào gà có thể xuất hiện ở nhiều vị trí ở vùng sinh dục, kể cả miệng và lưỡi của người có quan hệ tình dục bằng miệng với đối tượng nhiễm HPV.
Lựa chọn thuốc bôi trong điều trị sùi mào gà sinh dục
Ở một số người, bệnh sùi mào gà có thể không gây khó chịu hay phiền toái gì nếu chúng mọc ít, và không ở vị trí nhạy cảm nên có thể không cần quan tâm đến chúng và thông thường chúng có thể sẽ tự khỏi sau vài tháng hoặc năm mà không cần trị . Nhưng nhiều trường hợp các mụn cóc sinh dục gây đau rát, ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống tình dục của người bệnh và có nguy cơ lây lan gây nhiễm trùng.
Lúc này, dựa vào số lượng, vị trí và kích thước của mụn cóc và yêu cầu của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đề xuất những phương pháp điều trị khác nhau. Trong đó, có nhiều loại thuốc bôi ngoài da dùng trị sùi mào gà mà bác sĩ có thể kê đơn cho bệnh nhân, bao gồm:
Loại thuốc bôi trị sùi mào gà bệnh nhân tự sử dụng
Với những nhóm thuốc bôi ngoài da trị sùi mào gà này, bác sĩ sẽ kê đơn và hướng dẫn bệnh nhân tự bôi tại nhà và theo dõi tiến triển trên các đám sùi mào gà, bao gồm:
Kem thuốc Imiquimod 5% (Aldara, Zyclara): Thuốc tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại mụn cóc sinh dục. Cách dùng: bôi thuốc trực tiếp lên vùng da bị sùi mào gà (vùng sinh dục và hậu môn) cách ngày trong tuần, và trong tối đa 16 tuần. Lưu ý: Kem thuốc cần lưu trên vùng điều trị ít nhất 6 giờ nên cần tránh quan hệ tình dục ngay sau khi sử dụng thuốc. Đồng thời sau 6-10 giờ rửa lại bằng nước và xà phòng nhẹ.
Gel thuốc Podofilox (Condylox): Thuốc nhóm gây độc tế bào, có tác dụng phá hủy mô sùi mào gà ở vùng sinh dục. Cách dùng: bôi thuốc 2 lần/ngày và liên tục trong 3 ngày, sau đó ngừng bôi thuốc 4 ngày và lặp lại 4 chu kỳ như trên. Lưu ý: Dạng gel thuốc này chỉ được dùng bôi ngoài da và không được khuyến khích sử dụng ở phụ nữ có thai.Sau khi bôi không cần rửa lại.
Kem Sinecatechin (Veregen): được dùng để điều trị sùi mào gà bên ngoài vùng sinh dục, bên trong và ngoài hậu môn.
Loại thuốc bôi trị sùi mào gà cần sự hỗ trợ của bác sĩ
Một số phương pháp điều trị bằng thuốc bạn cần đến sự hỗ trợ của bác sĩ như:Podophyllin: là một loại nhựa thực vật có thành phần chính là podofilox với khả năng làm phá hủy mô mụn cóc ở vùng sinh dục.
Axit trichloroacetic: còn được gọi là phương pháp axit hay hóa học giúp đốt cháy các mô mụn cóc, kể cả đám sùi mào gà bên trong những nơi ẩm ướt. Cách dùng: Bác sĩ sẽ giúp bạn bôi axit lên vùng mụn cóc có thể quan sát được và để khô, lặp lại mỗi tuần nếu cần, tối đa 6 tuần.
Trong đó, Podophyllin được xem là thuốc bôi trị sùi mào gà tiêu chuẩn với hiệu quả điều trị cao mà giá thành lại rẻ. Tuy nhiên, có thể sẽ mất thời gian và bất tiện khi bạn cần đến sự hỗ trợ của bác sĩ để sử dụng loại thuốc bôi này.
Lưu ý: Đối với bệnh nhân sử dụng podophyllin cần rửa sạch thuốc lưu lại trên da sau 1-4 giờ bôi để tránh gây kích ứng, loét da.
Một số lưu ý khi dùng thuốc bôi trị sùi mào gà tại nhàChỉ sử dụng các loại thuốc do bác sĩ chỉ định, không nên tự ý sử dụng nếu chưa được sự chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa.
Trong quá trình sử dụng thuốc, nếu bạn thấy có bất kỳ triệu chứng bất thường nào cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị.
Một số tác dụng phụ thường gặp của thuốc bôi trị sùi mào gà: đỏ da, ngứa, kích ứng nhẹ và nặng hơn có thể là mệt mỏi, đau nhức cơ thể.
Tuân thủ đúng liều dùng, số lần bôi, thời gian bôi thuốc.
Kết hợp điều trị cả đối tác của bạn trong quá trình điều trị sùi mào gà.
Ngoài thuốc bôi ngoài da, còn phương pháp điều trị sùi mào gà nào khác không?
Đối với các trường hợp mụn cóc lớn hay không đáp ứng với thuốc bôi hoặc bạn đang mang thai và lo ngại ảnh hưởng đến việc sinh nở thì bác sĩ có thể đề xuất cắt bỏ sùi mào gà bằng các phẫu thuật sau:Phương pháp áp lạnh
Đốt điện
Phẫu thuật cắt bỏ
Điều trị bằng tia laser
Các phẫu thuật này tựu trung đều có mục đích là cắt bỏ mô bị mụn cóc sinh dục, có thể xem xét sử dụng trên phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người e ngại lựa chọn các kỹ thuật này trong điều trị vì chúng thường gây đau, sưng và có thể để lại sẹo.
Phòng ngừa sùi mào gà bằng cách nào?
Nhiều người vẫn thắc mắc thuốc bôi trị sùi mào gà dùng bôi ngoài da có trị dứt điểm bệnh hay không. Thực tế, hiện nay các phương pháp điều trị sùi mào gà kể cả can thiệp phẫu thuật đều làm ngăn chặn và giảm các triệu chứng của bệnh mà không thể diệt được virus HPV gây bệnh.
Do đó, khả năng tái phát bệnh sau điều trị sẽ rất cao nếu cơ thể bạn tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho HPV phát triển. Để phòng ngừa và ngăn chặn bệnh sùi mào gà, bạn cần:Tiêm vắc xin phòng virus HPV: Bạn nên chủ động tiêm đủ liều vắc xin phòng HPV. Vắc xin này có thể bảo vệ phái nữ trước các nguy cơ mắc bệnh sùi mào gà hay ung thư cổ tử cung.
Quan hệ tình dục lành mạnh: Sử dụng các biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục đó là bao cao su, duy trì mối quan hệ chung thủy với đối tác của bạn.
Nâng cao sức đề kháng chống lại virus HPV: Xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nâng cao sức khỏe. Thường xuyên tập thể dục và rèn luyện thân thể.
Chăm sóc và vệ sinh cơ thể, nhất là vùng kín đúng cách và thường xuyên
Khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng một lần: Đặc biệt là sức khỏe phụ khoa ở nữ giới hay nam khoa cho phái mạnh, để kịp thời phát hiện các dấu hiệu của sùi mào gà hay những bệnh lý sinh dục và sinh sản khác.